Quy định về Giám đốc thẩm trong Tố tụng Dân sự
– Sau khi vụ án của quý vị đã được xét xử với kết quả thua kiện, nếu quý vị cho rằng việc xét xử chưa đúng, “có vấn đề” hoặc chưa “khẩu phục tâm phục”, thì việc gửi đơn đề nghị xem xét lại bản án theo thủ tục giám đốc thẩm có thể xem là một phương cách tốt và có thể sẽ mở ra một cơ hội để xem xét, xét xử lại vụ án của mình.
Để dễ hiểu, trước hết chúng tôi tóm tắt thật ngắn gọn về thủ tục giám đốc thẩm, sẽ trải qua 3 giai đoạn chính như sau:
1. Đương sự gửi Đơn đề nghị giám đốc thẩm (trong thời hạn 1 năm).
2. Nếu đồng ý với Đơn, Chánh án/Viện trưởng sẽ ra “Quyết định kháng nghị giám đốc thẩm” (trong thời hạn 3-5 năm).
3. Tòa sẽ tiến hành “phiên tòa giám đốc thẩm” và ban hành “Quyết định giám đốc thẩm”. Tùy thuộc vào kết quả ghi trong Quyết định giám đốc thẩm, sẽ có các tình huống khác nhau.
A. Những quy định chung:
I. Giám đốc thẩm là gì?
Giám đốc thẩm là việc “xét lại” những bản án hoặc quyết định của Toà án tuy đã có hiệu lực pháp luật ( đã xét xử xong, đang ở giai đoạn thi hành án), nhưng bị “người có thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm (xem phần sau) kháng nghị (thông qua một văn bản có tên là “Quyết định kháng nghị giám đốc thẩm”), vì phát hiện có sự vi phạm pháp luật nghiêm trọng trong việc giải quyết vụ án.
Các quy định về các vấn đề liên quan đến thủ tục giám đốc thẩm được quy định tại phần thứ tư, chương 18 Bộ luật tố tụng dân sự.
Như vậy, cần phải hiểu rằng:
- Một là, “giám đốc thẩm” không phải là việc xét xử một vụ án theo thủ tục thông thường (mà luật quy định gồm hai cấp: sơ thẩm và phúc thẩm) mà là một thủ tục nhằm xem xét lại việc xét xử trước đây. Thông qua một “phiên tòa giám đốc thẩm”, Hội đồng xét xử giám đốc thẩm (xem ở phần sau) sẽ đưa ra kết luận của mình – trong một văn bản tố tụng gọi là “Quyết định giám đốc thẩm” – đối với bản án bị kháng nghị giám đốc thẩm.
- Hai là, một bản án hay quyết định đã có hiệu lực pháp luật chỉ có thể được xét theo thủ tục giám đốc thẩm khi có “Quyết định kháng nghị giám đốc thẩm” của người có quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm mà thôi.
II. Ai là người có quyền kháng nghị theo thủ tục Giám đốc thẩm:
Theo quy định tại Điều 285 Bộ luật tố dụng dân sự, người có quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm là:
- Chánh án Toà án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao - có quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm đối với bản án/quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Toà án “các cấp”.
( Lưu ý: Tòa án các cấp ở đây gồm: TAND cấp quận/huyện, TAND cấp tỉnh/TP và TAND tối cao. Hay nói cách khác là các vị này có quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm đối với bất kỳ bản án nào, do bất kỳ ai xét xử).
- Chánh án Toà án nhân dân cấp tỉnh, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh có quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm bản án/quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Toà án nhân dân cấp huyện.
Ví dụ: TAND Quận Bình Thạnh (TP.HCM) xét xử một vụ án dân sự, ra bản án sơ thẩm. Sau đó, do không có ai kháng cáo, kháng nghị, nên theo quy định, sau 15 ngày bản án sơ thẩm này trở thành bản án “có hiệu lực pháp luật”. Sau đó, bên bị đơn cho rằng bản án sơ thẩm trước đây xử sai, nên làm đơn yêu cầu được xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm. Trong trường hợp này, Chánh án TAND TP.HCM có quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm đối với bản án sơ thẩm của TAND quận Thủ Đức. ( Lưu ý: và cả Chánh án TANDTC cũng có quyền này).
III. Căn cứ để kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm
Theo Điều 283 Bộ luật TTDS, khi bản án/quyết định của Toà án đã có hiệu lực pháp luật có những dấu hiệu sau đây:
1. Kết luận trong bản án/quyết định không phù hợp với những tình tiết khách quan của vụ án;
2. Có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng;
3. Có sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng pháp luật.
Thì có thể xem là căn cứ để kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm.
B. Thủ tục gửi “Đơn đề nghị xem xét lại bản án theo thủ tục giám đốc thẩm”:
1. Gửi Đơn trong vòng 1 năm, kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật:
Nói chung, việc dân sự là việc của đương sự. Cho nên, nếu ai cảm thấy vụ án (dân sự) của mình bị oan ức, xử chưa đúng, thì phải tự mình làm Đơn gửi tới “người có thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm” để họ xem xét và ra Quyết định kháng nghị. Mặc dù là luật cũng cho phép những cá nhân, cơ quan tổ chức khác có quyền đề nghị giám đốc thẩm. Chẳng hạn như một tờ báo cũng có quyền viết bài, nêu ý kiến của một luật sư đề nghị xem xét lại theo thủ tục giám đốc thẩm đối với một vụ án nào đó.
Theo quy định tại Điều 284 Bộ luật TTDS, trong thời hạn một năm, kể từ ngày bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật, nếu phát hiện vi phạm pháp luật trong bản án, quyết định đó ( chính là những “căn cứ” nêu tại phần III mục A ở trên) thì đương sự ( nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan) có quyền gửi “Đơn đề nghị xem xét lại bản án theo thủ tục giám đốc thẩm” tới những người có quyền kháng nghị để được xem xét kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm.
2. Nội dung “Đơn đề nghị xem xét bản án theo thủ tục giám đốc thẩm”
Đơn đề nghị xem xét bản án/quyết định của Tòa án theo thủ tục giám đốc thẩm phải có các nội dung chính sau đây:
a) Ngày, tháng, năm làm đơn đề nghị;
b) Tên, địa chỉ của người đề nghị;
c) Tên bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật đề nghị xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm;
d) Lý do đề nghị, yêu cầu của người đề nghị;
đ) Người đề nghị là cá nhân phải ký tên hoặc điểm chỉ; người đề nghị là cơ quan, tổ chức thì người đại diện hợp pháp của cơ quan, tổ chức đó phải ký tên và đóng dấu và phần cuối đơn.
Lưu ý:
- Người đề nghị ( ký tên vào Đơn) nhớ phải gửi kèm theo đơn bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật, tài liệu, chứng cứ để chứng minh cho yêu cầu của mình là có căn cứ.
- Đơn đề nghị và tài liệu, chứng cứ phải gửi tới đúng “người có quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm” – tức là Chánh án TANDTC và Viện trưởng VKSNDTC chứ không phải ai khác. Chẳng hạn gửi cho: Chủ tịch nước hay cơ quan báo chí là “không đúng” – dù rằng vẫn có thể gửi.
3. Việc nhận “Đơn đề nghị xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm” như thế nào?
Theo quy định tại Điều 284b Bộ luật TTDS, thì đương sự có thể gửi Đơn bằng cách “trực tiếp đến gửi” hoặc gửi qua đường bưu điện. Và:
- Tòa án, Viện kiểm sát nhận đơn đề nghị do đương sự nộp trực tiếp phải ghi vào sổ nhận đơn. Nếu gửi qua đường bưu điện, thì ngày gửi đơn được tính từ ngày có dấu bưu điện nơi gửi. Lưu ý: vấn đề ngày giờ khá quan trọng. Nhớ là phải gửi Đơn “trong vòng 1 năm” không trễ dù chỉ 1 ngày.
- Tòa án, Viện kiểm sát nhận đơn đề nghị phải cấp “giấy xác nhận đã nhận đơn” cho đương sự.
4. Việc hoãn, tạm đình chỉ thi hành án
Sau khi nhận được Đơn đề nghị giám đốc thẩm của đương sự, luật cho phép người có thẩm quyền kháng nghị bản án theo thủ tục giám đốc thẩm có quyền “yêu cầu hoãn thi hành bản án, quyết định” để “xem xét việc kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm”.
“Yêu cầu hoãn thi hành bản án” chính là việc ra “Quyết định tạm đình chỉ thi hành án” - thực hiện theo quy định tại Luật thi hành án dân sự.
Trên thực tế, nếu không thực sự công tâm và đúng pháp luật, thì đây chính là một “kẽ hở” để các đương sự “chạy” Quyết định tạm đình chỉ thi hành án. Dù không chắc chắn là kết quả giám đốc thẩm sẽ ra sao. ( Đây là một vấn đề khác, chúng tôi không bàn sâu ở đây).
C. Kháng nghị và Quyết định kháng nghị giám đốc thẩm:
1. Thời hạn kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm là 3 năm:
Điều 288 Bộ luật TTDS quy định thời hạn kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm là (3) ba năm - kể từ ngày bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật. (Lưu ý: Cần phân biệt với thời hạn đương sự gửi Đơn đề nghị giám đốc thẩm là 1 năm).
Ngoài ra, trong một số trường hợp đặc biệt và vì lợi ích của đương sự, bên thứ ba hoặc Nhà nước, thời gian kháng nghị có thể kéo dài thêm 2 năm nữa.
2. Quyết định kháng nghị giám đốc thẩm
Sau khi nhận được Đơn đề nghị giám đốc thẩm của đương sự (nói ở phần B), người có thẩm quyền kháng nghị sẽ xem xét. Nếu thấy Đơn đã chứng minh được bản án mà đương sự đề nghị giám đốc thẩm có những dấu hiệu cho thấy có những sai phạm, là căn cứ để giám đốc thẩm ( nêu ở điều III phần A nói trên) thì “người có thẩm quyền kháng nghị sẽ kháng nghị giám đốc thẩm – thông qua một văn bản tố tụng gọi là “Quyết định kháng nghị giám đốc thẩm”.
Quyết định kháng nghị giám đốc thẩm có các nội dung chính sau đây:
1. Số, ngày, tháng, năm của quyết định kháng nghị;
2. Chức vụ của người ra quyết định kháng nghị;
3. Số, ngày, tháng, năm của bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị;
4. Quyết định của bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị;
5. Nhận xét, phân tích những vi phạm, sai lầm của bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị;
6. Căn cứ pháp luật để quyết định kháng nghị;
7. Quyết định kháng nghị một phần hoặc toàn bộ bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật;
8. Tên của Toà án có thẩm quyền giám đốc thẩm vụ án đó;
9. Đề nghị của người kháng nghị.
Theo quy định, “Quyết định kháng nghị giám đốc thẩm” sẽ được gửi ngay cho Toà án ra bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị, các đương sự trong vụ án, cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền và những người khác có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến nội dung kháng nghị.
Lưu ý: chúng ta cần biết rằng Quyết định kháng nghị giám đốc thẩm chưa liên quan gì đến kết quả xét xử giám đốc thẩm cả (sẽ nói ở phần tiếp theo). Đây chỉ mới là điều kiện cần để bản án được xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm mà thôi. Hoàn toàn không phải là đã “thắng”, đã “quay ngược” được bản án. Do vậy, nếu ai đó nói rằng sẽ “chạy” được Kháng nghị giám đốc thẩm cho quý vị thì cũng chưa có nghĩa là quý vị đã thắng nhé.
D. Phiên tòa giám đốc thẩm và “Quyết định giám đốc thẩm”:
Sau khi có “Quyết định kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm”, sẽ chuyển qua giai đoạn quan trọng nhất là “xét xử giám đốc thẩm” (hay có thể nói gọn là “giám đốc thẩm”) đối với bản án/quyết định bị kháng nghị.
I. Thẩm quyền (xét xử) giám đốc thẩm
Theo Điều 291 Bộ luật TTDS, thẩm quyền xét xử giám đốc thẩm được quy định như sau:
1. Uỷ ban Thẩm phán Toà án nhân dân cấp tỉnh giám đốc thẩm những bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Toà án nhân dân cấp huyện bị kháng nghị.
2. Toà dân sự, Toà kinh tế, Toà lao động của Toà án nhân dân tối cao giám đốc thẩm những bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Toà án nhân dân cấp tỉnh bị kháng nghị.
3. Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao giám đốc thẩm những bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của các Toà phúc thẩm, Toà dân sự, Toà kinh tế, Toà lao động của Toà án nhân dân tối cao bị kháng nghị.
4. Những bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật về cùng một vụ án dân sự thuộc thẩm quyền của các cấp Toà án khác nhau được quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này thì Toà án có thẩm quyền cấp trên giám đốc thẩm toàn bộ vụ án.
( Nói chung, đây là việc chúng ta chỉ cần biết để ... biết !)
II. Phiên toà giám đốc thẩm
Trong thời hạn bốn tháng, kể từ ngày nhận được Quyết định kháng nghị giám đốc thẩm, Toà án có thẩm quyền giám đốc thẩm (nêu ở trên) sẽ phải mở phiên toà để giám đốc thẩm vụ án.
Những người tham gia phiên toà giám đốc thẩm ngoài sự có mặt bắt buộc của Viện kiểm sát cùng cấp thì “khi xét thấy cần thiết, Toà án triệu tập những người tham gia tố tụng và những người khác có liên quan đến việc kháng nghị tham gia phiên toà giám đốc thẩm”. ( Đây hầu như chỉ là chuyện “lý thuyết”).
Phiên toà giám đốc thẩm gồm các thẩm phán ( 3 hoặc 5 vị) được thành lập gọi là “Hội đồng giám đốc thẩm’. chậm nhất là bảy ngày trước ngày mở phiên toà giám đốc thẩm. Các thành viên của Hội đồng giám đốc thẩm sẽ thảo luận và phát biểu ý kiến của mình về việc giải quyết vụ án. Đại diện Viện kiểm sát phát biểu ý kiến của Viện kiểm sát về việc giải quyết vụ án. Sau đó Hội đồng giám đốc thẩm biểu quyết về việc giải quyết vụ án. (Chính là kết quả của việc giám đốc thẩm)
III. Thẩm quyền của Hội đồng giám đốc thẩm
Hội đồng giám đốc thẩm (thông qua phiên tòa giám đốc thẩm) có các quyền sau đây:
1. Không chấp nhận kháng nghị và giữ nguyên bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật;
2. Hủy bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật và giữ nguyên bản án, quyết định đúng pháp luật của Tòa án cấp dưới đã bị hủy hoặc bị sửa;
3. Hủy một phần hoặc toàn bộ bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật để xét xử sơ thẩm lại hoặc xét xử phúc thẩm lại;
4. Hủy bản án, quyết định của Tòa án đã xét xử vụ án và đình chỉ giải quyết vụ án.”
Kết quả của việc xét xử giám đốc thẩm sẽ được thể hiện trong một văn bản tố tụng quan trọng gọi là “Quyết định giám đốc thẩm”.
IV. Quyết định giám đốc thẩm:
Quyết định giám đốc thẩm có các nội dung như sau đây:
a) Ngày, tháng, năm và địa điểm mở phiên toà;
b) Họ, tên các thành viên Hội đồng giám đốc thẩm. Trường hợp Hội đồng giám đốc thẩm là Uỷ ban Thẩm phán Toà án nhân dân cấp tỉnh hoặc Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao thì ghi họ, tên, chức vụ của chủ toạ phiên toà và số lượng thành viên tham gia xét xử;
c) Họ, tên Thư ký Toà án, Kiểm sát viên tham gia phiên toà;
d) Tên vụ án mà Hội đồng đưa ra xét xử giám đốc thẩm;
đ) Tên, địa chỉ của các đương sự trong vụ án;
e) Tóm tắt nội dung vụ án, quyết định của bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị;
g) Quyết định kháng nghị, lý do kháng nghị;
h) Nhận định của Hội đồng giám đốc thẩm trong đó phải phân tích những căn cứ để chấp nhận hoặc không chấp nhận kháng nghị;
i) Điểm, khoản, điều của Bộ luật tố tụng dân sự mà Hội đồng giám đốc thẩm căn cứ để ra quyết định;
k) Quyết định của Hội đồng giám đốc thẩm.
Quyết định giám đốc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày Hội đồng giám đốc thẩm ra quyết định.
Trong thời hạn năm ngày làm việc kể từ ngày ra quyết định, Hội đồng giám đốc thẩm sẽ phải gửi quyết định giám đốc thẩm đến đương sự, người khác có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan và Toà án đã ra bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị; Viện kiểm sát cùng cấp, cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền.
KẾT: Điều gì sẽ xảy ra sau khi có “Quyết định giám đốc thẩm”:
ói chung, điều gì sẽ xảy ra sau khi có Quyết định giám đốc thẩm được ghi rõ ngay trong quyết định này. Phụ thuộc vào các tình huống thuộc thẩm quyền của Hội đồng giám đốc thẩm ( nói ở phần trên).
Theo đó, sẽ có các khả năng sau:
- Nếu Quyết định giám đốc thẩm nêu: không chấp nhận kháng nghị và giữ nguyên bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật – xem như kết quả giải quyết vụ án sẽ “như cũ”, tiếp tục thi hành án;
- Nếu Quyết định giám đốc thẩm nêu: Hủy bản án phúc thẩm, giữ nguyên bản án sơ thẩm – khi đó, bản án sơ thẩm sẽ có hiệu lực pháp luật.
- Nếu Quyết định giám đốc thẩm nêu: Hủy một phần hoặc toàn bộ bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật để xét xử sơ thẩm lại hoặc xét xử phúc thẩm lại – lúc này xem như vụ án sẽ được xét xử lại một lần nữa ( quay lại “con đường đau khổ” mà các đương sự đã trải qua từ khi khởi kiện, xét xử sơ thẩm, phúc thẩm trước đây).
Luật sư Trần Văn Đạo chuyên giải quyết án Phúc Thẩm, Giám đốc thẩm, Tái Thẩm. Nếu quý khách chưa hài lòng với Bản án đã có hiệu lực Pháp luật thì hãy liên hệ với chúng tôi để được sử dụng tư vấn và giải quyết pháp luật tốt nhất.
Hân hạnh được phục vụ quý khách hàng!